Đóng

Nửa đầu năm 2022, Hải Phòng tăng trưởng 11,1%, thuộc top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất

29/06/2022

Thông tin tại cuộc Họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thông kê TP. Hải Phòng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội Hải Phòng 6 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc.

Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường.

Nhiều ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: sản xuất công nghiệp, hàng qua cảng, thu ngân sách, thu hút FDI, thu hút khách du lịch bước đầu phục hồi và tăng trưởng;

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của căng thẳng địa  -chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng trên thế giới làm giá hàng hóa, nguyên vật liệu tăng cao khiến, kinh tế Hải Phòng chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Hải Phòng họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Thanh Tân

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 11,10% so với cùng kỳ năm trước (kế hoạch tăng từ 13% trở lên), đứng thứ 7 cả nước và thứ 3 Vùng đồng bằng Sông Hồng.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,67%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,32%, đóng góp 7,27 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 9,05%, đóng góp 3,23 điểm phần trăm.

Trong đó, riêng khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn; giá dầu tăng cao, kéo theo chi phí về sản xuất cũng tăng.

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn 6 tháng năm 2022 tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 4,05%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 53,83%; khu vực dịch vụ chiếm 36,49%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,63%.

Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của Thành phố trong 6 tháng đầu năm nay ước tăng 11,84% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,37%, đóng góp 11,58 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,47%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,49%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào mức tăng chung; riêng ngành khai khoáng có chỉ số giảm 28,48%, tác động làm giảm 0,06 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn Hải Phòng đạt được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ là nhờ hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường, các chương trình kết nối cung cầu, khuyến mãi kích cầu tiêu dùng được đẩy mạnh, nhiều hoạt động quảng bá du lịch được tổ chức triển khai....

Sáu tháng đầu năm 2022, tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành Thành phố phục vụ ước đạt 3.014 nghìn lượt, tăng 27,69% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế ước đạt 117,2 nghìn lượt, tăng 227,08% so với cùng kỳ.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn thành phố ước đạt 70.794,5 nghìn tấn, tăng 7,87% so với cùng kỳ. Doanh thu cảng biển 6 tháng/2022 ước đạt 3.322,6 tỷ đồng, tăng 9,96% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước 6 tháng/2022 đạt 30.578,9 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ.

Tính lũy kế đến 15/6/2022, Hải Phòng có 816 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 23,6 tỷ USD. Từ đầu năm đến 15/6/2022, toàn thành phố có 34 dự án cấp mới đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đầu tư đạt 506,36 triệu USD.

Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 24 dự án, với số vốn tăng là 468,18 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng cấp mới và tăng vốn toàn thành phố có 58 dự án, vốn đầu tư đạt 974,54 triệu USD. Có 10 dự án chấm dứt hoạt động dự án và 1 dự án tạm ngừng hoạt động đến hết năm 2022; 02 dự án chuyển thành dự án 100% trong nước.

Nhờ nhiều hoạt động kinh tế được khôi phục nên ước 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt  53.969,7 tỷ đồng, bằng 51,1% dự toán HĐND Thành phố giao và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 20.853,3 tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán HĐND thành phố giao và tăng 31,9% so với cùng kỳ năm trước; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 31.900 tỷ đồng, bằng 53,2% dự toán HĐND thành phố giao và tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 11.353,2 tỷ đồng, bằng 31,3% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 107,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển ước đạt 5.465,7 tỷ đồng, bằng 30,1% và tăng 7%; chi thường xuyên ước đạt 5.393 tỷ đồng, bằng 39,1% và tăng 6,8%.

thông tin liên hệ